Có thể nói, sự kiện quân Giải phóng toàn thắng vào mùa xuân năm 1975 đã tốn không ít giấy mực của dư luận thế giới mà phần lớn họ đều dành cho Việt Nam những lời khâm phục, kính nể. Đó không chỉ là sự khẳng định chiến thắng chính nghĩa của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa miền Nam Việt Nam mà còn khẳng định sức mạnh to lớn của nhân dân Việt Nam chống lại đế quốc mạnh nhất lúc bấy giờ.
Mặc dù chiến tranh Việt Nam đã đi qua hơn 4 thập kỉ nhưng những “dư chấn” mà quân Giải phóng miền Nam nói riêng, dân tộc Việt Nam nói chung vẫn khiến cho báo chí Nhật Bản bày tỏ sự khâm phục, kính nể. Cụ thể, tờ Asahi Shimbun số ra ngày 1/5/1975 đã có bài xã luận mang tính thời sự: “Chiến tranh ở Việt Nam đã kết thúc với thắng lợi của lực lượng Giải phóng, điều có có thể khẳng định, thời mà các nước lớn dùng sức mạnh để bóp nghẹt chủ nghĩa dân tộc đã chấm dứt”.
Ba mươi năm sau, tờ Nikkei, ấn phẩm chuyên đề kinh tế lớn nhất Nhật Bản trong số ra ngày 284 đã đăng lại hình ảnh chiếc xe tăng đầu tiên của Quân Giải phóng tiến vào Dinh độc lập kèm theo bình luận: “Việt Nam sau 30 năm chiến tranh” trong đó nhấn mạnh “Cuộc chiến tranh đã để lại dấu ấn sâu đậm và đầy ấn tượng trong tâm thức người Mỹ, tạo hiệu ứng dây chuyền khác trong toàn khu vực Đông Dương”.
Báo chí Lào – “anh dũng, kiên cường”
Ngày 29/4/2010, tờ Pasason, tiếng nói của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào đã có bài viết với tựa đề “Truyền thống đấu tranh anh dũng của nhân dân Việt Nam”, ca ngợi sự lãnh đạo tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam và tinh thần chiến đấu ngoan cường và anh dũng của nhân dân Việt Nam qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân cũ và mới, tạo ra chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu và Đại thắng mùa xuân năm 1975. Theo bài viết, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng đã trở thành giây phút lịch sử của cuộc đấu tranh anh dũng của quân đội và nhân dân Việt Nam. Chiến thắng mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập, tự do và thống nhất.
Báo chí Mỹ – “lịch sử của thế giới này”, “các đồng chí”
Phải nói rằng, cuộc chiến tranh Việt Nam đã tốn nhiều tâm trí, sức lực, thời gian và tiền của của người Mỹ. Đặc biệt, những năm cuối của cuộc chiến tranh này, dư luận và báo chí Mỹ đã có rất nhiều bài viết về cuộc chiến “hao người tốn của” này.
Ngày 30/4/1975, hãng UPI viết: “Quân đội phía chiến thắng đã cưỡi xe tăng vào Dinh Tổng thống với nét mặt phấn khởi như vào chỗ không người, thậm chí còn xưng hô “các đồng chí” với những người đang đứng hai bên đường cũng như với các nhà báo. Họ thật sự không để ý sự có mặt của các nhà báo đang tác nghiệp, đang ghi lại những khoảnh khắc hiếm hoi của lịch sử, sự đầu hàng lịch sử của chính quyền Sài Gòn trước những người cộng sản. 3 lá cờ trắng được kéo lên sở chỉ huy cảnh sát, một lúc sau khi ông Minh nói trên đài. Nhiều cờ trắng cũng treo lên ở ngoại ô phía bắc Sài Gòn. Dân chúng đi lại bình thường trên các đường phố”.
Với tựa đề “Sài Gòn sụp đổ”, tờ New York Times ngày 1-5-1975 chạy tít lớn suốt 8 cột trang nhất kèm theo hàng loạt tin, ảnh về sự sụp đổ của chính quyền ngụy và chiến thắng của các lực lượng cách mạng. Theo bài viết, ngày 30-4-1975 là ngày “lịch sử của thế giới”.
Cũng trong số ra ngày 1-5-1975, hãng tin AP đăng một bài viết có đoạn “Xe tăng, xe bọc thép và xe tải ngụy trang của Quân Giải phóng tiến nhanh vào Dinh Tổng thống. Cũng trong thời gian này Tướng trung lập, Dương Văn Minh đã lên đài phát thanh và truyền hình công bố lệnh đầu hàng”.
Và đánh dấu kỷ niệm 30 năm Việt Nam thống nhất, tờ Washington Time ra đặc san về Việt Nam, trong đó nêu bật những nỗ lực của nước ta trên đường đổi mới, hội nhập kinh tế quốc tế. Đặc san đem đến cho độc giả những thông tin chân thực và sinh động về đất nước, con người và sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam.
Báo chí Anh – “giây phút bước ngoặt”
Hãng tin Reuters danh tiếng của Anh cũng đã có nhiều bài viết lớn và liên tục cập nhật về cuộc chiến tranh Việt Nam vào giờ phút bước ngoặt đó. Một nhà báo hãng tin này có mặt tại Sài Gòn vào 30/4/1975 viết: “Là phóng viên có mặt tại Phủ Tổng thống, tôi chứng kiến chiếc xe tăng đi đầu của quân Giải phóng húc đổ cột bằng thép vững chắc và cán cờ ngụy rơi xuống đất, rồi vượt qua.
Gần 10 xe tăng khác nhanh chóng tiến vào theo, Bộ đội Chính phủ Cách mạng tỏa ra khắp khu vực Phủ Tổng thống. Lính gác Nam Việt Nam lập tức giơ tay xin hàng và tập hợp thành hàng ngũ chờ lệnh mới. Cờ Chính phủ Cách mạng lâm thời tung bay trong không khí chiến thắng ở lan can tầng hai ngay cả khi lá cờ ba sọc vẫn còn bay trên nóc nhà”.
Báo chí Trung Quốc – “thắng lợi mãi mãi”
Cũng trong năm 2005, nhân kỷ niệm 30 năm chiến thắng lịch sử của dân tộc Việt Nam, tờ People Daily – cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc số ra ngày 30/4 đã có bài bình luận dài về “Thắng lợi mãi mãi ghi vào sử sách” của chúng ta. Trong đó, tờ báo nhấn mạnh ngày 30/4 là ngày lễ lớn của nhân dân Việt Nam và cũng là ngày đáng được những người yêu chuộng hòa bình, chính nghĩa trên toàn thế giới kỷ niệm.
Trong khi đó, tờ Tân Hoa Xã số ra ngày 30/4 dành gần hết trang quốc tế cho chủ đề về chiến thắng 30/4 và cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Việt Nam. Giật tít: “30 năm thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, hình ảnh người cựu chiến binh Việt Nam”, báo này đăng hai bức ảnh chụp hai cựu chiến binh Việt Nam ngực đầy huân chương, được nhân dân thành phố Hồ Chí Minh trân trọng tặng hoa.
Báo chí Pháp – “chấn động địa cầu”
Một ngày sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, ngày 1/5/1975, hãng tin AFP của Pháp viết: “Trong năm 1975, sự kiện nổi bật nhất châu Á là sự kiện 30/4 của Việt Nam, “dư chấn” rúng động địa cầu”. Theo hãng tin này, không còn nghi ngờ gì nữa, sự kiện trên sẽ có ảnh hưởng không nhỏ đến khu vực và thế giới trong tương lai gần. Năm 2010, nhân kỷ niệm 35 năm sự kiện 30/4, AFP cùng hãng tin AP của Mỹ và nhiều hãng tin khác tham gia một cuộc triển lãm ảnh mang tên “Việt Nam, 35 năm sau”.
Theo AFP, đây là những khoảnh khắc trung thực của chiến tranh, hồi chuông cảnh tỉnh nhân loại hãy làm hết sức mình để không xảy ra một cuộc chiến tương tự, cho dù là bên thắng cuộc.
Ông Alain Rusco, nhà sử học người Pháp, kiêm chuyên gia chuyên nghiên cứu về lịch sử Đông Dương, cho rằng, sự kiện 30-4 “gây tiếng vang lớn trên trường quốc tế về một dân tộc không chịu khuất phục trước quân thù”.
Sự kiện 30-4-1975 có ý nghĩa trọng đại không chỉ đối với dân tộc Việt Nam mà còn cả với cộng đồng thế giới. Ông cũng có bài viết cho biết, để có được chiến thắng này hàng triệu người dân Việt Nam đã ngã xuống trong trong nhiều thập kỷ đầy cam go, quyết liệt. Gần như gia đình người Việt Nam nào cũng có đóng góp và mất mát, cho cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại này.
Một số nhận định khác
Ngày 3/5/1975, báo Nhân dân lao động của Myanmar có đoạn: “Với việc giải phóng Sài Gòn, cuộc chiến tranh cuối cùng ở Đông Dương đã chấm dứt… Thất bại của Mỹ là một bằng chứng cho thấy rằng thời đại chính sách dựa vào sức mạnh đã qua rồi”.
Ngày 4/5/1975, báo Phẩm giá – cơ quan ngôn luận của Đảng Dân chủ Guinea khẳng định: “Thắng lợi này của nhân dân Việt Nam là một đóng góp vô giá, một tấm gương lịch sử đối với cách mạng thế giới mà các thế hệ ngày nay và mai sau mãi mãi khâm phục, chiêm ngưỡng và cần phải học tập”.
Báo Tin tức Ai Cập số ra ngày 7/5/1975 bình luận: “Không có một ai trên trái đất này, dù chính kiến hay màu da của họ như thế nào đi nữa, lại không kính trọng và tự hào về dân tộc Việt Nam, dân tộc đã giương cao ngọn cờ chiến thắng trên phần đất cuối cùng của Tổ quốc họ vào đêm 30/4… Đoàn kết nhất trí là một bài học lớn đối với chúng ta và nó được rút ra từ cuộc chiến đấu lâu dài của nhân dân Việt Nam”.
Henry Kissinger, cựu Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ: “Hà Nội chỉ chiến đấu với một lẽ duy nhất, đó là lòng yêu nước của họ. Và một nước Việt Nam thống nhất dưới sự lãnh đạo của những người cộng sản Việt Nam, chiến thắng vào năm 1975, chính là mối đe dọa chiến lược to lớn đối với Trung Quốc còn hơn đối với Mỹ”.
“Chính quyền Việt Nam Cộng hoà sụp đổ chỉ sau 55 ngày kể từ khi quân giải phóng bắt đầu tấn công. Điều này cũng chứng minh cho căn bệnh mà chính quyền này đã bị nhiễm phải ngay từ khi thành lập: sự manh mún về chính trị; thiếu các nhà lãnh đạo có tầm nhìn xa trông rộng và có năng lực; một tầng lớp trên mệt mỏi và tham nhũng không có khả năng điều chỉnh cho thích nghi đã tạo nên một cơ sở quốc gia yếu kém đến mức nguy hiểm…” – George C. Herring.
“Chiến thắng của họ (Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam) là chiến thắng của dân tộc Việt Nam – người Bắc cũng như người Nam. Khác xa với một cuộc nội chiến, cuộc đấu tranh của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam là một sự khẳng định nguyên tắc thống nhất dân tộc mà chính quyền Sài Gòn đã tuyên bố ủng hộ rồi phản bội”, Frances Fitzgerald.
Đối với Neil Sheehan (người Mỹ), ông đã nói: “Sau những năm dài tìm cách khuất phục những dân tộc nghèo khổ bằng sự tàn bạo của sức mạnh kỹ thuật của mình, nước Mỹ, một nước giàu mạnh nhất trên quả đất này, cuối cùng có thể bị những người cộng sản Việt Nam đuổi ra khỏi bán đảo Đông Dương. Nếu đúng như vậy, thì thắng lợi của người Việt Nam sẽ là một thí dụ vô song về sự toàn thắng của trí tuệ con người đối với máy móc”.
0 nhận xét: