Sau chiến tranh Việt Nam (1975), Việt Nam và Campuchia xuất hiện nhiều mâu thuẫn. Chính phủ Khmer Đỏ do Trung Quốc bảo trợ đã nhiều lần đột kích, xâm lấn lãnh thổ và tàn sát đồng bào Việt Nam tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ.
Ngày 13 tháng 12 năm 1978, được sự trang bị và hậu thuẫn của Trung Quốc, Khmer Đỏ huy động 10 sư đoàn đồng loạt tấn công xâm lược Việt Nam. Sau đó, quân đội Việt Nam đã phản công, đánh bật quân Khmer Đỏ ra khỏi Việt Nam và bắt đầu tiến sang Campuchia để tiêu diệt chế độ này.
Nhận thấy Việt Nam đưa quân vào Campuchia lật đổ chính quyền diệt chủng Khmer Đỏ do Trung Quốc bảo trợ trong cuộc chiến tranh giữa Việt Nam và Campuchia, Trung Quốc quyết định tấn công xâm lược Việt Nam với lý do “dạy cho Việt Nam một bài học” (lời Đặng Tiểu Bình) nhưng mục đích chính là phân chia lực lượng quân đội của Việt Nam để giúp chính quyền diệt chủng Khmer Đỏ. Đồng thời, Trung Quốc muốn thử nghiệm chiến thuật quân sự phòng thủ chủ động, đưa cuộc phòng thủ biên giới vào sâu lãnh thổ đối phương.
Mặt khác, Trung Quốc muốn thử nghiệm một cuộc chiến tranh biên giới có giới hạn để thăm dò khả năng tương trợ của Liên xô, sau khi Việt Nam gia nhập Hội đồng Tương trợ Kinh tế SEV, và ký hiệp ước hữu nghị và hợp tác với Liên Xô (1978), trong đó có điều khoản về tương trợ quân sự . Nếu thảo ước này được tuân thủ nghiêm ngặt, theo nhận định của Quân ủy Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, nó sẽ là hiểm họa quốc phòng lớn vì đặt Trung Quốc vào tình thế lưỡng đầu thọ địch khi xảy ra chiến tranh với Việt Nam hoặc Liên Xô.
Tương quan lực lượng tham chiến
Để tấn công Việt Nam, Trung Quốc sử dụng 9 quân đoàn chủ lực và một số sư đoàn bộ binh độc lập (tổng cộng 32 sư đoàn), 6 trung đoàn xe tăng, 4 sư đoàn và nhiều trung đoàn pháo binh, phòng không. Lực lượng được huy động khoảng 600.000 binh sĩ, 550 xe tăng, 480 khẩu pháo, 1.260 súng cối và dàn hỏa tiễn, chưa kể hơn 200 tàu chiến của hạm đội Nam Hải và 1.700 máy bay sẵn sàng phía sau. Tướng Hứa Thế Hữu, tư lệnh Đại Quân khu Quảng Châu chỉ huy hướng tiến công vào đông bắc Việt Nam với trọng điểm là Lạng Sơn và Cao Bằng. Tướng Dương Đắc Chí, tư lệnh Đại Quân khu Côn Minh đảm nhiệm hướng tây bắc với trọng điểm là Hoàng Liên Sơn (nay là Lào Cai). Đây là đợt huy động quân sự lớn nhất của Trung Quốc kể từ Chiến tranh Triều Tiên.
Về phía Việt Nam, do phần lớn các quân đoàn chính quy (3 trong số 4 quân đoàn) đang chiến đấu ở Campuchia nên phòng thủ ở biên giới với Trung Quốc chỉ có một số sư đoàn chủ lực quân khu (chủ yếu là tân binh) của Quân khu I và II cùng các đơn vị bộ đội địa phương tỉnh, huyện, công an vũ trang (biên phòng) và dân quân tự vệ. Lực lượng biên giới có khoảng 70.000 quân, sau được hai sư đoàn từ miền xuôi lên tiếp viện. Quân đoàn 1 vẫn đóng quanh Hà Nội đề phòng Trung Quốc đổi ý tiến sâu vào trung châu.
Cuộc chiến nổ ra rạng sáng 17 tháng 2 năm 1979. Nhưng trên thực tế, súng đã nổ rất sớm ở biên giới Cao Bằng. Lúc 21h ngày 16 tháng 2, quân Trung Quốc đã pháo kích dữ dội vào xã Cần Yên của huyện Thông Nông. Và gần nửa đêm, chúng mở rộng phạm vi sang mạn Trà Lĩnh, Hà Quảng.
Cuộc “trừng phạt giới hạn, quy mô nhỏ” của Đặng đã huy động 600 nghìn quân bộ binh.
32 sư đoàn của tám trong tổng số mười đại quân khu có mặt trong cuộc động binh này. Một con số mà Hứa Thế Hữu, Tổng tư lệnh lực lượng tham chiến gọi là “Dùng dao mổ trâu để cắt tiết gà”.
Để “tiền pháo hậu xung”, Trung Quốc sử dụng 550 tăng thiết giáp Type-62, Type-59, Type-63, 480 khẩu pháo mặt đất, hơn 1.200 súng cối từ 76,2mm đến 152mm, 160mm và dàn hỏa tiễn 107mm đến 130mm. Không quân và hải quân cũng triển khai 200 tàu chiến; 706 máy bay tiêm kích J-5, J-6, J-7; 120 tiêm kích bom J-6, Q-5 và 122 máy bay ném bom H-5, H-6, để chi viện trong trường hợp cuộc chiến mở rộng.
Để đối phó với tình huống Liên Xô đổ quân đánh yểm trợ cho Việt Nam, mặt trận phía bắc Trung Quốc, bao gồm các tỉnh Thẩm Dương, Bắc Kinh, Tế Nam, Lan Châu, Tân Cương được đặt chế độ báo động cao nhất. 300 nghìn dân cư tại đây được lệnh sơ tán.
Với lực lượng gấp mười lần, được yểm trợ bằng tăng và pháo, họ Hứa tin rằng sẽ nhanh chóng xé nát hệ thống phòng thủ biên giới của Việt Nam, đánh chiếm các thị xã trong vòng vài ba ngày. Và nếu muốn, “không đến hai giờ có thể đánh xuống Hà Nội”.
Bên này biên giới, 600 nghìn quân chủ lực của Việt Nam đang bị chia nhỏ ở các chiến trường Campuchia, Lào; miền Nam và quanh Hà Nội. Tổng lực lượng phòng thủ biên giới lúc này chỉ có bảy sư đoàn, một lữ đoàn và dân quân sáu tỉnh, tổng cộng chưa đến 60 nghìn người.
Biển quân 600 nghìn chia làm hai nhánh Đông – Tây. Hứa Thế Hữu cầm cánh phía Đông, đánh Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh. Dương Đắc Chí, Tư lệnh Đại quân khu Côn Minh đảm nhiệm cánh Tây, tấn công Lai Châu, Hoàng Liên Sơn và Hà Tuyên.
Tỉnh Cao Bằng với 333 km đường biên cùng 634 mốc quốc giới, dài nhất toàn tuyến, đã khiến Trung Quốc dốc vào đây 130 nghìn quân – gần một phần tư tổng số, chia hai hướng để đánh chiếm.
Mười ngày sau mở màn cuộc chiến, 27 tháng 2, quân Trung Quốc bắt đầu tấn công thị xã Lạng Sơn. Lính Trung Quốc cố chiếm từng căn nhà, góc phố để đánh bật lực lượng phòng ngự Việt Nam ra khỏi thị xã. Cho đến ngày 5 tháng 3, quân Trung Quốc đạt được mục đích. Để chiếm thị xã cách biên giới 15 cây số, Trung Quốc đã dốc toàn lực của 10 sư đoàn, mất mười sáu ngày. Mỗi ngày tiến được chưa đầy một cây số.
Mục đích của quân phương Bắc để lại một bình địa kéo dài dọc đường biên. Thị xã Lạng Sơn là nơi duy nhất bị chiến cuộc tàn phá. Năm thị xã còn lại đều là mục tiêu của cuộc phá hoại có hệ thống. Cao Bằng bị đánh sập tất cả những gì là bê tông có thể đứng vững. Trong cuộc chiến này, Trung Quốc đã phá hoại gần như sạch sẽ cơ sở hạ tầng, tiện nghi xã hội căn bản, đẩy 3,5 triệu người dân biên giới vào cảnh không cửa nhà.
Trung Quốc công bố con số thương vong sau cuộc chiến là 20 nghìn người. Trong khi Việt Nam thống kê là hơn 62.500. Những thiệt hại cụ thể của cả hai bên, chưa bao giờ có một công bố chính thức.
Cuộc tấn công ồ ạt bằng biển người ban đầu tạo lợi thế bất ngờ cho Trung Quốc. Nhưng càng lấn sâu vào đất Việt Nam, cuộc chiến càng giảm dần tốc độ. Một tuần sau khai chiến, Trung Quốc buộc phải tuyên bố chiến tranh hạn chế và “sẽ rút quân sau mười ngày”.
Hứa đã gặp may khi Đặng tuyên bố rút quân vào ngày mùng 6 tháng 3 năm 1979. Mười hai ngày sau, Trung Quốc mới hoàn thành việc rút quân. Rút về sau ba mươi ngày đụng độ với các lực lượng bán vũ trang Việt Nam, Trung Quốc thông báo với thế giới “đã hoàn thành mục tiêu chiến tranh”.
Thông qua lệnh Tổng động viên, một ngày trước khi Trung Quốc rút quân, Hà Nội khi đó đã tuyên bố “Công cuộc kháng chiến chống lại sự xâm lực của bọn phản động Trung Quốc bắt đầu”.
Chiến thuật biển người mà Trung Quốc sử dụng từ thời nội chiến dần vô dụng trước chiến tranh du kích của các lực lượng bán vũ trang Việt Nam. Chính cuộc chiến này, đã khai tử chiến thuật mà quân đội Trung Quốc áp dụng với nhiều cuộc chiến tranh trong thế kỷ 20. Tư tưởng quân sự của Mao hoàn toàn bị triệt bỏ.
“Dạy cho Việt Nam một bài học”, Trung Quốc nhận lại bài học về chiến thuật, chiến lược chiến tranh: quân đội Trung Quốc không thể đảm đương một cuộc chiến tranh hiện đại. Những tổn thất trong cuộc chiến cùng thất bại về vũ khí, chiến thuật buộc họ về sau, phải hiện đại hóa gấp quân đội.
Nghĩa trang liệt sĩ Quảng Uyên cách Khau Chỉa chưa đầy chục cây số. 406 ngôi mộ nằm ở đây, có 250 mộ liệt sĩ Trung đoàn 567. Họ đều hy sinh tháng Hai năm 1979. Nhiều liệt sĩ nằm lại nghĩa trang các đồn biên phòng, các huyện biên giới từ Pa Nậm Cúm đến Pò Hèn đều có chung ngày giỗ. Nhiều ngôi mộ ở Vị Xuyên, Hà Giang thì mới hơn, từ 1984 đến 1989.
Người Cao Bằng như họ ít nhắc những đau buồn của cuộc chiến. Ký ức sẵn trong đầu, ai hỏi thì họ kể.
Những người sống ở đường biên này, không quên ngày hôm qua nhưng vẫn nhận thức được ngày hôm nay; nhớ như in thời chiến nhưng biết trân trọng thời bình; và cùng một gương mặt, họ luôn biết khi nào coi là thù, lúc nào, cần là bạn.
Bài viết trên có tham khảo và trích dẫn Biên giới 1979 trước ‘biển người’ phương Bắc của tác giả Thanh Lam, Hoàng Phương
Ảnh: Trần Mạnh Thường, Ngọc Thành
Đồ họa: Tiến Thành
0 nhận xét: