Sự kiện Tết Mậu Thân (hay còn được gọi là Tổng công kích – tổng khởi nghĩa Tết Mậu Thân 1968) là cuộc tổng tiến công và vận động quần chúng nổi dậy chiếm chính quyền vào dịp Tết Mậu Thân năm 1968 của Quân đội Nhân dân Việt Nam và Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam trên hầu hết lãnh thổ của Việt Nam Cộng hòa. Đây là một trong những chiến dịch quân sự lớn nhất và có một vai trò và hệ quả mang tính bước ngoặt trong Chiến tranh Việt Nam, tuy nhiên, vẫn có nhiều câu hỏi đặt ra xung quanh nó.
Le Retour Nostalgique – một dự án được thành lập bởi một nhóm các bạn học sinh lớp 10 Sử khóa 1821 Trường Trung Học Phổ Thông Chuyên Hà Nội – Amsterdam với mục đích đem lại cho các bậc phụ huynh và học sinh một góc nhìn mới về môn lịch sử, để môn sử không còn là một môn học thuộc khô khan, mang lại cảm hứng học cho mọi người qua những bài viết về lịch sử đã đưa ra những câu trả lời cho một số câu hỏi như sau:
1. Sự kiện Tết Mậu Thân là gì?
Chiến dịch Mậu Thân là cuộc tổng tiến công và vận động quần chúng nổi dậy chiếm chính quyền vào năm 1968 của Quân đội Nhân dân Việt Nam và Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam trên hầu hết vùng kiểm soát của Việt Nam Cộng hòa. Đây là một trong những chiến dịch quân sự lớn nhất và có một vai trò và hệ quả mang tính bước ngoặt trong Chiến tranh Việt Nam. Sự kiện được ấy tên là Mậu Thân vì nó diễn ra vào đúng dịp Tết Mậu Thân năm 1968.
2. Mậu Thân chính thức diễn ra vào ngày nào?
Cuộc tiến công và nổi dậy này được mở đầu bằng cuộc tập kích chiến lược của quân chủ lực Mặt trận Giải phóng vào hầu khắp các đô thị trong đêm 30 – rạng sáng 31/1/1968, vào đúng thời điểm Tết Mậu Thân. Quân dân ta ở miền Nam đã đồng loạt tiến công và nổi dậy ở hầu khắp các tỉnh, các đô thị và ấp chiến lược quan trọng.
3. Vậy liệu Mậu Thân là hành động tự phát hay đã có tính toán từ trước?
Một chiến dịch lớn như vậy không thể là hành động bộc phát, chắc chắn nó phải có sự tính toán từ trước. Bật mí nếu các bạn không biết, những ý tưởng manh nha của Mậu Thân đã được hình thành từ năm 1964 dưới cái tên “Kế hoạch X”, tức là gần 4 năm trước cơ đấy!
4. Vậy nguyên nhân vì sao mà ta lại có chủ trương như vậy? Và tại sao lại là năm 1968 chứ không phải là năm khác?
Do tình hình cuộc kháng chiến chống Mỹ của ta đang trong giai đoạn khó khăn và bế tắc cho cả 2 phía, buộc lòng ta phải có một kế hoạch toàn cục nhằm lật ngược thế cờ, phá vỡ thế bế tắc của cuộc chiến.
Thứ 2, tại sao lại là năm 1968 chứ không phải các năm khác? Cũng không quá khó để lý giải. Các năm trước đó, do lực lượng Mĩ và Đồng Minh vào còn mạnh nên chúng ta chưa có thời cơ. Năm 1968 đánh dấu một sự kiện đặc biệt, đó là việc nước Mỹ tiến hành bầu cử Tổng Thống. Lyndon B Johnson và đảng Dân Chủ của ông ta đang gặp bất lợi – người Mỹ đã bắt đầu hoài nghi về hiệu quả và ý nghĩa của cuộc chiến mà Mỹ đang tiến hành ở Việt Nam. Bởi vậy Johnson rất muốn phá vỡ thế bế tắc trong cuộc chiến tranh để khôi phục lòng tin của dân Hoa Kỳ về cuộc chiến tranh phi nghĩa mà phía Mỹ đang cố bôi vẽ là cuộc chiến chính nghĩa ở mảnh đất hình chữ S này. Muốn như vậy thì Johnson sẽ phải đẩy cao chiến tranh, gây khó khăn cho Quân giải phóng. Vì thế, tiến hành chiến dịch lúc này một mặt vừa đập tan âm mưu của Johnson, xoay chuyển cục diện cuộc chiến, một mặt cũng muốn làm rõ cho thế giới biết về bản chất cuộc chiến tranh phi nghĩa này.
5. Sự chuẩn bị của phía ta cho chiến dịch này như thế nào vậy?
Ngay từ năm 1967, tức là từ 1 năm trước, ta đã bắt đầu vận chuyển ồ ạt thuốc men, lương thực, vũ khí và đưa các cán bộ, chiến sĩ vào Nam. Việc vận chuyển này được thực hiện rất tinh vi, thậm chí còn qua mặt được hệ thống hàng rào điện tử MacNamara hiện đại của quân đội Hoa Kỳ. Điều đó đã là một minh chứng cho khả năng tài ba của cha ông ta.
Hơn nữa, trên mặt trận lòng dân, rất nhiều gia đình ủng hộ Cách Mạng đã góp phần giúp đỡ. Tính đến đầu năm 1968, trên toàn miền Nam, quân dân ta đã xây dựng được 19 lõm chính trị với 325 gia đình, 12 kho vũ khí, 400 điểm ém quân, phần lớn ở gần các mục tiêu sẽ đánh chiếm. Mỗi lõm có nhiều cơ sở để cất giấu vũ khí, ém quân. Có những cơ sở chỉ cách đồn Mĩ 1km như cơ sở của bà Bảy ở Trảng Bàng đã chôn tới 45 tấn vũ khí.
6. Ta đã đánh lạc hướng quân Mỹ ra sao? Quân Giải phóng đã che giấu như thế nào?
Đại Tướng Võ Nguyên Giáp – Bộ trưởng Quốc Phòng khi ấy đã mở chiến dịch Đường 9 Khe Sanh, nhằm vào căn cứ lính thủy đánh bộ của Mỹ ở Khe Sanh chỉ trước Mậu Thân chừng 10 ngày (21/1/1968) nhằm đánh lạc hướng quân Mỹ, buộc chúng phải tập trung lực lượng ra phía Bắc, qua đó có thêm thời gian chuẩn bị và giữ bí mật hướng tiến công chính.
Ở Sài Gòn và các thành phố lớn khác ở miền Nam, ngay trong tháng Chạp, hàng vạn chiến sĩ của Mặt trận Giải phóng dần kéo vào thành phố đóng giả làm thường dân, họ vào những nhà trọ, nhà nghỉ, chuẩn bị và bàn bạc kế hoạch tác chiến, chờ đợi cho giờ hành động sắp tới. Vũ khí của họ được giấu kín và vận chuyển qua những trước xe công binh đóng giả làm những chiếc xe chở hàng chở gạo và hoa Tết. Ít ai ngờ rằng, cuộc tổng tiến công lớn nhất của Mặt trận Giải phóng sắp sửa diễn ra và sẽ ghi tên mình vào sử sách là bước ngoặt của cuộc chiến.
7. Có phải chỉ quân giải phóng hủy lệnh đơn phương ngừng bắn?
Như các bạn cũng biết, 2 phía đã có lệnh đơn phương ngừng bắn trong các ngày Tết, cụ thể như sau (Việt Nam Dân chủ cộng hòa 7 ngày; Quân Giải Phóng 168 giờ và Việt Nam Cộng Hòa là 48 giờ (ít hơn hẳn))
Tuy nhiên, lệnh ngừng bắn của Việt Nam Cộng hòa đã sớm bị phía Hoa Kỳ yêu cầu hủy bỏ. Theo đó thời gian ngừng bắn cứ giảm dần từ 48h xuống 36h. Đến chiều ngày 29 Thiệu tuyên bố hủy ngừng bắn từ vùng 1 chiến thuật đến phía nam thành phố Vinh. Sau khi Quân giải phóng tấn công “Vùng 1 chiến thuật” của Việt Nam Cộng hòa thì ngày 30 Thiệu đã ra lệnh hủy ngừng bắn toàn miền Nam. Như vậy là phía Việt Nam cộng hòa cũng đã hủy lệnh đơn phương ngừng bắn chứ không phải là chỉ có phía Quân Giải Phóng.
8. Vậy dấu hiệu nào đã được sử dụng để báo cho toàn quân ta là cuộc tổng tiến công đã bắt đầu?
Đó chính là bài thơ chúc Tết của Chủ tịch Hồ Chí Minh:
Xuân này hơn hẳn mấy Xuân qua,
Thắng trận tin vui khắp nước nhà,
Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ,
Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta.
Khi bài thơ kết thúc cũng chính là lúc tiếng súng của quân Giải phóng nổ trên toàn miền Nam.
9. Cuộc chiến ở Sài Gòn – đầu não của quân địch đã diễn ra như thế nào vậy?
Ở Sài Gòn, quân Giải phóng tiến công vào các vị trí chiến lược ở thành phố. Cuộc tiến công bất ngờ làm địch hoàn toàn bị động. Quân ta tấn công vào Đài phát thanh, Dinh Độc lập, bộ chỉ huy Hải Quân, bộ Tổng Tham mưu Quân đội Sài Gòn, Tổng Nha Cảnh sát, sân bay Tân Sơn Nhất và trọng tâm là cuộc tấn công ở Đại sứ Quán Mỹ. Tuy nhiên hầu hết đã bị địch đẩy lui và rất nhiều chiến sĩ đã hi sinh anh dũng, đặc biệt là ở Đại Sứ Quán Mỹ.
Đến sáng 31/1/1968, ở Sài Gòn, hầu hết các cuộc tiến công của ta đã bị lực lượng tiếp viện của Mỹ, chính quyền Sài Gòn và Đồng Minh tràn vào thành phố và dồn dập tấn công, quân ta chỉ còn giao chiến lẻ tẻ ở các khu vực đô thị trong thành phố.
10. Tôi nghe nói là có một thành phố đã được quân ta giải phóng hoàn toàn gần 1 tháng, đó là thành phố nào vậy?
Đó chính là thành phố Huế.
Khi quân ta tiến hành tổng tiến công ở Huế lúc 2 giờ sáng 31/1/1968, thành phố nhanh chóng thất thủ (do lính ở Huế đã bị điều đi nơi khác), trừ bộ chỉ huy của quân đội Sài Gòn đặt ở đây. Lá cờ của Mặt trận Giải phóng Miền Nam tung bay trên thành cổ Huế. Tuy vậy, đến 6/2, quân Mỹ, Chính quyền Sài Gòn và Đồng minh đã tái chiếm được trung tâm thành phố và giải cứu được lính trong bộ chỉ huy quân đội Việt Nam Cộng hòa ở Huế. Những phần còn lại của Huế nhanh chóng rời vào tay địch, trừ thành cổ Huế. Và sau 25 ngày chiến đấu quyết liệt, quân đội Sài Gòn tiến vào thành cổ Huế, Huế lại rơi vào quyền kiểm soát của chính quyền Sài Gòn.
11. Liệu sau đợt tổng tiến công này, quân ta còn đợt tiến công nào khác trong năm 1968 không?
Dù Mậu Thân đã kết thúc cùng với sự thất thủ của Huế nhưng sau đó, quân ta vẫn tiếp tục thực hiện cuộc tiến công 1968 với đợt 2 kéo dài từ tháng 5 đến tháng 6 và đợt 3 kéo dài từ tháng 8 đến tháng 9, cuộc tiến công của ta vào căn cứ của Mỹ ở Khe Sanh tiếp tục kéo dài đến tháng 7.
12. Có ý kiến cho rằng quân ta đã thất bại trong chiến dịch Tết Mậu Thân, điều đó đúng hay sai?
Trước hết, nếu mới nhìn vào mặt quân sự, ta sẽ tưởng rằng đây là một thất bại to lớn của quân ta bởi về mặt quân sự, Mỹ, chính quyền ở Sài Gòn và Đồng minh đã đẩy lùi được cuộc tổng tiến công và nổi dậy của ta, gây nhiều thương vong cho quân Giải phóng. Mặt trận giải phóng bị mất đi nhiều chiến sĩ với kinh nghiệm chiến đấu lâu năm, bộ máy chỉ huy của Mặt trận bị thiệt hại nặng nề. Sau khi chiếm được các mục tiêu, quân ta chỉ có lệnh giữ vững vị trí cho đến khi bị lực lượng địch đánh bại, ta chưa thể rút quân khỏi thành phố về nông thôn và chưa thể kích động khiến cho quần chúng nổi dậy và lật đổ chính quyền Sài Gòn.
Nhưng hãy xét về mặt chiến thuật và những gì ta gặt hái được sau chiến dịch này: ta vẫn giành được thắng lợi chiến lược trên mặt trận ngoại giao. Cho dù chưa làm cho chính quyền Sài Gòn sụp đổ, cuộc tiến công này đã làm lung lay ý chí của Mỹ. Tinh thần của quân Mỹ và Đồng minh bị suy sụp nghiêm trọng. Qua những hình ảnh của cuộc tiến công và hình ảnh đại sứ quán mỹ thất thủ, người dân Mỹ đã phần nào thấy được tình hình thật của cuộc chiến, làm bùng nổ nên phong trào phản chiến của người dân trên toàn bộ nước Mỹ, sự ủng hộ với Johnson tụt dốc không phanh và cuối cùng ông này đã mất chức về tay đối thủ là Richard Nixon trong năm 1968. Ông đã tuyên bố “phi Mỹ hoá” cuộc chiến, đưa quân Mỹ về nước, tiến hành “ Việt Nam hoá chiến tranh”, tức thừa nhận thất bại trong chiến lược “chiến tranh cục bộ” và chấp nhận bắt đầu ngồi vào hòa đàm Paris, đó chính là chiến thắng lớn nhất. Cuộc tiến công này được coi là bước ngoặt của cuộc chiến, chuyển sang hướng có lợi cho cuộc chiến đấu của dân tộc ta.
—
Mặc dù vậy, vẫn còn rất nhiều câu hỏi về lịch sử đang chờ chúng ta giải đáp. Chúng tôi sẽ cố gắng tạo ra một chuyên mục về sự kiện gây tranh cãi này.
0 nhận xét: